Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Sơn Đoòng đứng đầu điểm đến mới của thế kỷ 21

Hang Sơn Đoòng, Việt Nam đứng đầu các điểm đến mới của thế kỷ 21 do tạp chí khoa học Smithsonian bình chọn.

Sơn Đoòng, Việt Nam - Hang động lớn nhất thế giới

Với kích thước khổng lồ, hệ thống hang Sơn Đoòng có thể chứa được một cặp máy bay Boeing 747. Trong lòng hang là cả một dòng sông ngầm lớn chảy qua. Sơn Đoòng được Hồ Khanh, một người dân địa phương phát hiện năm 1990. Tuy nhiên, 20 năm sau hệ thống hang kỳ vĩ này mới được thế giới biết đến. Ảnh: Ryan Deboodt.

Phòng thí nghiệm CERN, Thụy Sĩ - Ngôi nhà của hạt Higgs

Higgs là một loại hạt cơ bản trong mô hình chuẩn của ngành vật lý hạt. Vì có tầm quan trọng trong vụ nổ Big Bang cách đây 13,7 tỉ năm mà Higgs còn được các nhà khoa học đặt tên là "hạt của Chúa" (God Particle). Tổ chức nghiên cứu nguyên tử châu Âu (CERN) tại thành phố Meyrin, Thụy Sĩ là nơi xây dựng được máy gia tốc lớn và mạnh nhất thế giới có tên Large Hadron Collider. Phòng thí nghiệm của CERN và chiếc máy này là điểm đến ao ước của các nhà vật lý nói riêng và giới khoa học nói chung. Ảnh:iop.

Sân bay vũ trụ, Mỹ - Nơi bước chân ra khỏi trái đất

Spaceport America được xây dựng tại del Jornada Muerto, sa mạc bang New Mexico, Mỹ. Đây là sân bay vũ trụ tư nhân đầu tiên trên thế giới, nhằm cung cấp các chuyến bay khám phá không gian. Từ đây, du khách bay ra xa khỏi trái đất khoảng hơn 110 km là có thể nhìn thấy đường chân trời cong. Hơn 700 người đã đăng ký bay tại đây, mỗi người phải chi trả số tiền 250.000 USD để thực hiện chuyến đi ngoài không gian này. Ảnh: fosterandpartner.

Vùng núi phía đông châu Phi - Hành trình gặp loài khỉ đột lớn

Thông thường mọi người chỉ thấy giống khỉ nhỏ ở những vùng đất thấp ở phương tây. Còn những con khỉ đột lớn nặng tới hơn 226 kg lại sinh sống ở các vùng rừng núi của Uganda, Rwanda và Congo. Đây cũng chính là khu vực nghiên cứu trong 18 năm của nhà động vật học nổi tiếng người Mỹ Dian Fossey. Ảnh: wiki.

Đài thiên văn ALMA, Chile - Nơi quan sát được nhiều sao nhất

Không chỉ lớn nhất mà ALMA còn là đài thiên văn vô tuyến mạnh và đắt nhất do con người chế tạo nên. Nó được đặt tại vùng hoang mạc Atacama, một trong những nơi khô hạn nhất thế giới. Các nhà khoa học tới đây để nghiên cứu về các ngân hà và thăm dò các ngôi sao mới, đồng thời cả việc tìm kiếm những vật thể lạ ngoài không gian. Ảnh: eso.

Động băng Mendenhall, Mỹ - Thế giới băng kỳ ảo

Mendenhall cách trung tâm thành phố Juneau khoảng 20 km, trong khuôn viên rừng quốc gia Tongass, bang Alaska, Mỹ. Động băng này được hình thành từ 3.000 năm trước và ngừng phát triển vào giữa những năm 1700. Ngày nay, động băng đã tan chảy một phần, tuy nhiên vẫn giữ được vẻ đẹp kỳ ảo, đáng kinh ngạc. Ảnh: imgur

Ferrari World, Abu Dhabi - Nơi có tàu lượn siêu tốc nhanh nhất

Đây là công viên giải trí trong nhà lớn nhất hành tinh, mở cửa năm 2010 tại Abu Dhabi, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm Fumula Rossa, tàu lượn siêu tốc chạy nhanh nhất thế giới. Tốc độ của nó có thể lên đến 240 km/h. Ảnh: wiki.

Vùng Rãnh Cayman, biển Caribe - Điểm lặn biển sâu nhất

Tới Rãnh Cayman, du khách có thể tham gia lặn sâu tới hơn 600 m so với mặt nước vùng biển Caribe. Viện khoa học khám phá biển (RIDE) là cơ quan đã tổ chức các cuộc nghiên cứu tìm hiểu vùng Rãnh Cayman, điểm sâu nhất của biển Caribe. Tại đây, họ còn cung cấp cho du khách dịch vụ ngắm cá mập 6 mang - loài động vật ăn thịt nổi tiếng của thế giới dưới nước. Mức giá cho chuyến thăm này là 1.500 USD. Ảnh: joe shoak

Bảo tàng nghệ thuật Hồi giáo, Qatar - Thánh địa của nghệ thuật đạo Hồi

Đây là ngôi nhà lớn tập hợp mọi loại hình nghệ thuật của đạo Hồi, tôn giáo có lịch sử khoảng 1400 năm. Các tác phẩm trưng bày tại đây làm từ nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, kim loại, gốm sứ, kính... Bảo tàng được thiết kế bởi I.M.Pei và đi vào hoạt động năm 2008. Những tác phẩm trong bảo tàng được thu thập trong hơn 20 năm từ nhiều nước như Tây Ban Nha, Ai Cập, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, vùng Trung Á... Ảnh: e-architech.

Noma, Đan Mạch - Nhà hàng số một

Nằm tại thành phố Copenhagen, Đan Mạch, nhà hàng Noma do bếp trưởng René Redzepi gây dựng nên và quản lý. Đầu bếp này chủ yếu sáng tạo và phục vụ các món ăn Bắc Âu. Không chỉ mang đến sự ngon miệng cho thực khách, bếp trưởng René Redzepi còn biến các món ăn thành những tác phẩm nghệ thuật. Ông còn sử dụng cả cỏ và đất để tạo nên sự đặc biệt cho chúng. Ảnh: businessinsider.

Hương Chi / VnExpress

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Cò, cồng cộc tung cánh ở Tràm Chim mùa nước nổi

Trở lại Tràm Chim mùa nước nổi
Xuồng về nhớ ghé lại Tam Nông
Em gái Nha Mân chiều đón đợi
Sa Giang đượm thắm má em hồng

Đàn chim chao cánh sầu con cá
Bèo trôi xanh ngát cả dòng sông
Lao rao bóng mát hương tràm tỏa
Mềm môi mấy thuở rượu Sen Hồng!


Vài chiếc thuyền máy đi sâu vào rừng khiến đàn chim đậu trên cành tung cánh bay lên tạo thành bức tranh sống động ở vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp.


Vườn quốc gia Tràm Chim, khu Ramsar đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long có diện tích hơn 7.000 ha giữ vai trò quan trọng trong bản đồ đa dạng sinh học thế giới.

Vì miền tây đang vào mùa nước nổi nên các đàn chim đã lần lượt di trú, chỉ còn một số ở lại thám thính để tìm bãi ăn, nơi nghỉ và môi trường tốt để gọi đàn về. Vào mùa xuân, các đàn chim sẽ trở về đây để tìm kiếm thức ăn.



Khi những chiếc thuyền máy tiến sâu vào rừng tràm, những con chim nghe âm thanh bị động sẽ tung cánh bay lên cao.

Với mục tiêu phát triển du lịch bền vững, UBND tỉnh Đồng Tháp, ban quản lý vườn quốc gia Tràm Chim, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và công ty Coca-Cola đã phối hợp triển khai dự án "Bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng" tại Tràm Chim với tổng đầu tư gần 1,2 triệu USD.

Dự án giúp bảo vệ các loài chim quý hiếm, cải thiện việc quản lý thủy văn, điều chỉnh mực nước, phát triển thủy sản và phục hồi thảm thực vật.



Chim đậu trên các cành cây rất an nhiên. Nếu có dịp ngồi trên thuyền chầm chậm quan sát, bạn sẽ thấy những tổ chim được "xây" ở khắp nơi. Theo thống kê từ WWF, gần đây có khoảng 12.000 cò nhạn, hơn 10.000 con điên điển, trên 1.500 con cồng cộc và 6.000 cò trắng đến sinh sống, sinh sản ở Tràm Chim.



Vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp dự kiến sẽ trở thành tuyến điểm du lịch đặc biệt trong mùa nước nổi. Năm 2014, có hơn 60.000 lượt khách tham quan Tràm Chim, tăng gấp 4 lần so với năm 2013. Trên 200 hộ dân sinh sống quanh Tràm Chim cũng được tham gia khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý mùa nước nổi, trung bình thêm khoảng 1.460.000 đồng/ tháng mỗi hộ dân.



Dự kiến từ 25 đến 27/9, ngày hội du lịch Đồng Tháp sẽ diễn ra ở vườn quốc gia này với chủ đề "Tràm chim mùa nước nổi".



Ông Hoàng Quốc Việt, điều phối dự án của WWF cho biết: "Dự án bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đã được triển khai thuận lợi và đạt kết quả như mong đợi. Hy vọng việc quản lý và bảo tồn Tràm Chim tiếp tục được duy trì để giữ vững danh hiệu Ramsar và trở thành bài học kinh nghiệm cho các vùng ngập nước khác ở Đồng bằng sông Cửu Long".



Về lý do chọn vườn quốc gia Tràm Chim để bảo tồn, đầu tư, ông Nguyễn Khoa Mỹ, giám đốc truyền thông và đối ngoại của một hãng nước giải khát chia sẻ: "Ở Việt Nam có rất nhiều rừng quốc gia, nhưng đây là vùng bị ảnh hưởng rõ rệt bởi biến đổi khí hậu vì nằm ngay lưu vực sông Me Kong. Do đó việc theo đuổi dự án này giúp bảo tồn môi trường sinh thái, trả lại hiện trạng tự nhiên tốt nhất để người dân và các động vật quý hiếm quay trở lại sinh sống".

Tường Ý/ VnExpress

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Ngất ngây với con đường xuyên qua rừng tràm cực lãng mạn ở Long An

Chỉ nhìn thôi đã thấy thoải mái rồi....phong cảnh yên bình, rừng núi xanh mượt..

Đây được xem là một điểm sáng trong tương lai của du lịch Long An, một địa điểm không thể bỏ qua cho những ai mê khám phá thiên nhiên.

Dù bây giờ đã là tháng 8 – mùa thu – nhưng không khí chơi hè vẫn còn náo nhiệt. Đâu đó trên các trang mạng xã hội, những chuyến du ngoạn vẫn rộn ràng, nhộn nhịp.. Cũng trong không khí “tiếc rẻ” mùa hè đó, chúng tôi đã vô tình nghe được về một điểm du lịch khá hay ho nhưng còn nguyên sơ và ít người biết ở Long An, với “đặc sản” là "con đường tình yêu" xuyên rừng tràm dài 5km. Thế là a lê hấp, bỏ qua những lời mời chào đi biển hấp dẫn, chúng tôi đã quyết định chạy xe máy một quãng đường dài về miền Tây với tâm trạng vô cùng hứng khởi.

Nơi đây được gọi là Khu du lịch sinh thái làng nổi Tân Lập, thuộc huyện Mộc Hóa (tỉnh Long An). Đường đi rất dễ. từ Sài Gòn, bạn đi Quốc lộ 1 xuống Tân An (Long An), rồi rẽ phải sang quốc lộ 62 đi Mộc Hóa. Tới Mộc Hóa, hãy hỏi người dân về làng nổi, ai cũng sẽ nhiệt tình chỉ cho bạn.

Vượt khoảng hơn 2 tiếng rưỡi chạy xe máy, cổng khu du lịch sinh thái làng nổi Tân Lập hiện ra. Trước khi đi, tôi từng đọc đâu đó trên mạng bảo rằng, khu bảo tồn này được đầu tư khoảng 100 tỉ đồng, với diện tích 135 ha và vùng đệm rộng 500 ha, nên háo hức lắm. Nhưng khi vào bên trong cái cổng hoành tráng, thì khung cảnh vắng vẻ và đìu hiu của nó khiến sự háo hức của tôi bị sụt giảm một chút. Quả thật, chúng tôi là những vị khách đầu tiên trong ngày hôm nay.

 
Cánh cổng khá hoành tráng nhưng lại vắng vẻ, đìu hiu bên trong.

Sau khi mua vé tham quan (50k/người) , chúng tôi bắt đầu lên xuồng để “thám hiểm” vùng đầm lầy khổng lồ này cùng với một hướng dẫn viên (phòng trường hợp bạn bị lạc). Rừng tràm hiện ra trước mắt, với khung cảnh quen thuộc của miền Tây sông nước. Rừng tràm lớn đến mức, người ta đã cho xây hẳn một tháp canh cao 38m và nhiệm vụ của bạn chỉ là: Chịu khó leo gần mười tầng cầu thang, rồi phóng tầm mắt ra một dải xanh ngát không lồ, hít lấy hít để mùi hương tràm thơm mát cùng những ngọn gió mùa hè. Đúng nghĩa “hòa cùng thiên nhiên”.

Mảng thực vật đa dạng của khu đầm lầy. 

Tháp canh cao 38m.

Toàn cảnh rừng tràm và đầm lầy hiện ra trước mắt.

Và lúc ấy, con đường độc đáo trong rừng tràm hiện ra. Đây rồi, thứ mà khiến tôi bỏ công sức chạy xuống đây. Đó là một cây cầu bằng xi măng, được xây dựng xuyên rừng, để du khách có thể tham quan. Trên đường đi, hai bên là vùng đầm lầy với vô số tràm cùng các loài thực vật khác đang sinh sôi nảy nở. Vào mùa nước nổi, bạn không thể đi trên con đường này vì nước sẽ ngập qua cầu.

Con đường nhỏ lấp ló trong rừng. 

Hai bên là hai hàng cây cao ngút tầm mắt, tạo thành một khung cảnh hun hút, lãng mạn và thanh cảnh vô cùng. 

Với chiều dài 5km cùng vô số nhánh rẽ dẫn tới nhiều khu vực khác nhau của rừng, bạn bắt buộc phải đi theo người hướng dẫn nếu không muốn lạc đường. Xuồng tham quan sẽ đón bạn ở một trong các ngã rẽ để tiếp tục hành trình của mình.

Vô số các ngã rẽ. 

Lá tràm khô rơi ngập lối đi, che khuất đám rêu xanh. 

Nắng ngập trên đầu, xen qua những tán lá, không gây nóng và khó chịu. 

Sự âm u, tĩnh mịch cũng như rộng lớn của khu rừng sẽ làm bạn vô cùng thích thú.

Sau đó, chúng tôi được tham quan vùng đầm lầy với đầm sen. Tuy nhiên, thật không may mắn khi đây không phải mùa sen, nên trên mặt đầm chỉ lác đác bông súng, bèo dạt cùng rong rêu. Đâu đó, một vài chú chim sà xuống rồi tung cánh bay. Không khí vẫn hữu tình, thơ mộng, nhưng nếu có thêm một vài bông sen nữa thì tốt quá.

Khu đầm lầy tràn ngập lục bình, bèo dạt. 

Lác đác những bông hoa súng. 

Cảnh vật vô cùng hoang sơ và tuyệt đẹp.

Chốt lại là

Mặc dù rừng tràm Tân Lập rất đẹp, tôi cũng rất là ưng cái cây cầu "thần thánh" đó, nhưng giá như đi vào mùa sen và khi khu du lịch đã được xây hoàn chỉnh thì tốt hơn rất nhiều. Được biết, trong tương lai, đây sẽ trở thành một khu du lịch đặc trưng của Long An và vùng Đồng Tháp Mười, với 11 khu chức năng như khu bảo tồn tự nhiên, khu nhà nổi trên cọc, khu di trú động vật hoang dã.... sẽ được hình thành và đón khách.

Dù vậy, tôi xin cam đoan với các bạn, đây vẫn là một địa chỉ bỏ túi cho những ai thích trải nghiệm du lịch hoang sơ, gần gũi với thiên nhiên. Nhưng nhớ, đi vào mùa sen nở rộ nhé.

Theo Pat; Ảnh: Hữu Dương / Trí Thức Trẻ

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Chả ram bắp Đà Lạt – Món ăn bình dị được ưa thích tại phố núi

Ẫm thực Đà Lạt nổi tiếng không chỉ bởi những món ăn đẳng cấp, mà còn được biết đến với rất nhiều món ăn bình dị trong đó có món chả ram bắp Đà Lạt được khá đông du khách ưa chuộng.

 

Đến xứ lạnh, những món ăn thức uống bình dân như chả ram bắp hương vị Đà Lạt đặc trưng, bánh mì xíu mại nóng, sữa đậu nành đang còn bốc khói…lại được xem là những cơ duyên để làm cho du khách gắn với Đà Lạt một cách thắm thiết hơn, bất kể du khách đến với thành phố này từ các tour du lịch Đà Lạt giá rẻ hay cao cấp.

Cái hay và đặc biệt của thành phố sương mù này là có thể làm cho du khách dù ở tầng lớp nào trong xã hội cũng có thể trở thành bạn, khi có dịp lê la thưởng thức những món ăn vặt nơi trung tâm nhộn nhịp đông đúc, khi thành phố về chiều và chuẩn bị lên đèn. Chả ram bắp Đà Lạt có thể được xem là một trong những mối tơ gắn duyên du khách vào không gian nhộn nhịp bình dân ấy.

Người Đà Lạt thanh lịch và nhẹ nhàng, nên những món ăn của họ chế biến hầu như cũng đều thắm đượm chút gì đó rất tao nhã. Chả ram bắp cũng thế, trong những cái chả cuốn thơm nồng mùi yến tiệc, lại ẩn chứa vị ngọt thanh đạm bình dị của bắp còn tươi non hương mới.


Cách chế biến chả ram bắp có vẻ không quá khó, song nó lại đòi hỏi sự từ tốn trong cả quy trình làm chả. Bắp tươi khi hái về được bào ra, ướp gia vị thật khéo cuốn bánh tráng, rồi người ta thả vào chảo dầu đang sôi chiên vàng. 

Chả ram bắp chín có mùi thơm rất lạ, không chỉ phảng phất cái thi vị của món chả giò truyền thống, mà còn quyện vào đó một chút thanh của mùi bắp chín hấp dẫn đến lạ lùng. Dùng chung với chả ram bắp là rau sống, rau thơm tươi nguyên của Đà Lạt và nước chấm rất đặc biệt. Nước chấm cho món chả ram bắp nhìn sơ qua có vẻ rất giống món nước chấm món nem lụi Đà Nẵng hay nem lụi Huế nhưng vị của nó lại nhẹ nhàng hơn.

Được chế biến từ nước dùng với đậu phụng xay nhuyễn và ít đồ chua rồi thêm ít ớt tươi xay, món nước chấm của chả ram bắp Đà Lạt thực sự hiển thị một phương thức chế biến cực kỳ đơn giản nhưng tinh tế, làm cho món chả ram trở nên đặc biệt hơn.


Du khách đến Đà Lạt dù đi tour tự do hay thông qua các công ty tổ chức tour du lịch, có lẽ đều không quên một lần thưởng thức món chả ram bắp Đà Lạt có hương vị độc đáo. Vị cay nồng của ớt, vị bùi của đậu phụng và thơm ngọt của bắp trong chiều lạnh Đà Lạt như làm cho du khách thêm yêu hơn thành phố sương mù nhỏ bé nơi vùng cao nguyên Lâm viên đầy gió.

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Một ly sữa đậu nành cho bữa sáng đầy sản khoái ở phố núi

Sữa đậu nành Đà Lạt thực chất không phải là một thức uống đặc trưng của ẩm thực Đà Lạt, nhưng nó lại là một trong những thành phần không thế thiếu trong những nét thơ đặc trưng của phố núi.

Trong bất kể một hành trình tour du lịch Đà Lạt nào của du khách, không bao giờ thiếu vắng những khoảnh khắc rất thi vị khi thưởng thức những ly sữa đậu nành nóng thơm ngon gần Hồ Xuân Hương hay khu chợ đêm Đà Lạt sầm uất. Sữa đậu nành quá giản dị, quá phổ biến, ở đâu cũng có thể mua, ở đâu cũng có thể thưởng thức và bất kể là giờ nào trong ngày cũng có người phục vụ thức uống này. Làm sữa đậu nành thì cơ bản nhất để có sữa thơm ngon cũng chỉ tuân theo một quy trình chính là, đậu nành phải tươi mới, hạt chắc, đúng loại để làm sữa. Người ta ngâm đậu nành cho mềm, rồi xay, rồi lọc nước, rồi nấu lên, cho một ít lá dứa thơm, chút đường, canh vừa lửa quấy đều tay cho sữa khỏi khê, nấu với một khoảng thời gian nhất định, cho đến khi sữa đặc, sôi đều, chín kỹ là hoàn tất.


Sữa đậu nành nguyên chất thơm ngon chỉ có thế, ai cũng có thể làm được, vùng miền nào cũng làm được. Ấy vậy mà sữa đậu nành Đà Lạt nhiều người đã xếp nó vào hàng thức uống đặc sản của phố núi và không ngớt lời ca tụng. Nếu như một lần cùng bạn bè hay đồng nghiệp hoặc gia đình quây quần bên nhau, cùng thưởng thức ly sữa đậu nành thơm ngon nóng hổi trong tiết trời se lạnh của thành phố mù sương, khi du khách cảm nhận được hơi ấm toát ra từ những ngụm sữa giản dị, cũng là khoảnh khắc bồi hồi nhất mà bản thân chợt nhận diện được lý do tại sao người người lại ca tụng món sữa đậu nành Đà Lạt đến như thế. Cái ấm áp của món sữa đậu nành Đà Lạt mang lại không phải là cái ấm áp từ gia thịt, mà là sự ấm nồng trong bầu khí thân thiện giữa con người với nhau. Hương vị thơm ngon của sữa không chỉ là những gì đọng lại ở vị giác khứu giác, mà là những hương vị ngạt ngào của tình thân, của tình yêu, của tình bạn đọng lại qua những sẻ chia, những hỏi han người ta dành cho nhau trong tiết trời lộng gió của miền đất cao nguyên Lâm Viên trầm lắng.


Đi du lịch đâu chỉ là hành trình để thưởng ngoạn cái đẹp của quang cảnh thiên nhiên hay kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa, mà nó còn là hành trình thắm đượm bao xúc cảm, bao thương yêu, bao nồng nàn tự đáy lòng, từ tâm hồn của mỗi người. Một ly sữa đậu nành Đà Lạt tuy giản dị vậy, nhưng trong không gian rộng lớn và tâm tư cùng khoáng đạt, ly sữa giản dị ấy trở thành một con đường du ngoạn thênh thang nối kết mọi tâm hồn và làm cho con người ta thêm gần gũi với nhau hơn.

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

Mẹo làm Chả Ram Bắp Đà Lạt đúng vị giòn rụm, cực ngon

Bạn biết đến ẩm thực Đà Lạt trứ danh bởi những món ăn đẳng cấp?

Nhưng bạn đã biết đến nhiều món ăn bình dị khác của vùng đất này?

Đó là món chả ram bắp Đà Lạt được đông đảo du khách ưa chuộng. Đi Tour du lịch Đà Lạt đêm xuống se lạnh, khoác cái áo len, quàng thêm khăn, phởn phơ tản bộ dạo quanh các ngõ phố là thỏa thích tận hưởng hương vị thơm ngon của những gánh hàng rong đầy lôi cuốn…

“CHẢ RAM BẮP HẢO” LỪNG DANH ĐÀ LẠT

Đây là một trong những món ngon nổi tiếng Đà Lạt. Nếu bạn là một người thích ăn vặt và “ghiền” các món chiên nóng thì bảo đảm là bạn sẽ “căng bụng” vì cứ ăn mãi món này mà quên luôn là mình đã no lúc nào không biết đấy.

Đây là một sự sáng tạo của riêng người Đà Lạt, miếng cuốn cũng giống như chả giò, nhưng nhân ở bên trong hoàn toàn được làm từ bắp dẻo, được ướp gia vị rất vừa miệng, cuốn kèm với rất nhiều loại rau tươi, rau thơm của Đà Lạt. Nước chấm được làm từ đậu phộng. Rất thích hợp cho những người ăn chay.



Chả ram bắp cuốn tôm Đà Lạt

Cách chế biến chả ram bắp có vẻ không quá khó, song nó lại đòi hỏi sự từ tốn trong cả quy trình làm chả. Bắp tươi khi hái về được bào ra, ướp gia vị thật khéo cuốn bánh tráng, rồi người ta thả vào chảo dầu đang sôi chiên vàng. Chả ram bắp chín có mùi thơm rất lạ, không chỉ phảng phất cái thi vị của món chả giò truyền thống, mà còn quyện vào đó một chút thanh của mùi bắp chín hấp dẫn đến lạ lùng. Dùng chung với chả ram bắp là rau sống, rau thơm tươi nguyên của Đà Lạt và nước chấm rất đặc biệt.

Nước chấm cho món chả ram bắp nhìn sơ qua có vẻ rất giống món nước chấm món nem lụi Đà Nẵng hay nem lụi Huế nhưng vị của nó lại nhẹ nhàng hơn.

MẸO LÀM CHẢ RAM BẮP ĐÀ LẠT DÂN DÃ CỰC NGON CÙNG SOHA TRAVEL

Nguyên liệu:

– 200gr thịt heo nhiều mỡ

– Bắp non

– Gia vị hạt nêm, tiêu, đường, bột ngọt, muối, hành khô, tỏi

– Bánh tráng

Cách làm:

– Sơ chế nguyên liệu:



200gr thịt heo (nhiều mỡ), cho vào hạt nêm, tiêu, đường, bột ngọt, muối, hành khô, tỏi rồi đem xay nhuyễn.



1kg bắp non bào ướp với đường, muối, bột ngọt, hạt nêm, tiêu trong 10 phút cho ngấm rồi đem xào chín. Sau đó cho hành tươi và phần thịt xay vào trộn đều lên.



Bắp non bào ướp với đường, muối



Trộn đều hỗn hợp nguyên liệu



Trải bánh tráng ra dĩa rồi cho bắp vào cuộn lại. Ram bắp phải chiên ngập dầu mới không bị cháy



Cuốn ram to hơn ngón tay cái xíu là vừa chiên vàng.

– Pha nước chấm:

Nửa chén lạc rang + nửa chén bắp non xay nhuyễn.

Phi tỏi thơm, cho 2,5 chén nước vào nấu sôi lên rồi cho phần lạc và bắp đã xay nhuyễn vào, để lửa nhỏ nấu sôi từ 5-7 phút. Nêm gia vị vừa ăn. Phần nước sốt này hơi sệt lại là được.

– Làm đồ chua: Cà rốt, củ cải, đu đủ xắt sợi lớn, rửa sạch để ráo. Giấm cho thêm nước và chút đường rồi đun sôi, để nguội. Cho cà rố, đu đủ, củ cải vào hũ, đổ giấm đã nấu vào, đẻ khoảng 1 ngày là dùng được

– Xà lách, rau thơm, dưa leo rửa sạch, để ráo. Dưa leo xắt mỏng. Khi ăn dọn chả ram bắp ra dĩa, cùng rau sống và chén nước chấm, đồ chua. Nếu muốn ăn cay thì thêm ớt sa tế vào nước chấm.



Lấy bánh tráng mỏng mềm cho rau sống, rau thơm, dưa leo, đồ chua và ram bắp vào cuốn lại, chấm với sốt đậu phộng thật ngon tuyệt cú mèo



Những khoanh chả ram ăn kèm với rau sống chỉ nhìn thôi đã… chảy nước miếng

ĐI DU LỊCH ĐÀ LẠT ĂN CHẢ RAM BẮP BÌNH DÂN ĐÚNG ĐIỆU

Chả ram bắp Đà Lạt có thể được xem là một trong những mối tơ gắn duyên du khách vào không gian nhộn nhịp bình dân ấy. Người Đà Lạt thanh lịch và nhẹ nhàng, nên những món ăn của họ chế biến hầu như cũng đều thắm đượm chút gì đó rất tao nhã. Chả ram bắp cũng thế, trong những cái chả cuốn thơm nồng mùi yến tiệc, lại ẩn chứa vị ngọt thanh đạm bình dị của bắp còn tươi non hương mới. Trải nghiệm Tour du lịch Đà Lạt để thưởng thức món chả ram độc đáo này bạn nhé.



Bạn có thể tìm ăn món chả ram bắp ở quán cạnh trường tiểu học Nguyễn Trãi trên đường Bùi Thị Xuân hoặc đường Nguyễn Công Trứ.

SOHA TRAVEL chuyên tổ chức các Tour du lịch Đà Lạt giá rẻ, chất lượng với nhiều ưu đãi lớn hấp dẫn. Du khách đi du lịch Đà Lạt cùng SOHA TRAVEL có lẽ đều không quên một lần thưởng thức món chả ram bắp Đà Lạt có hương vị khác biệt độc đáo. Vị cay nồng của ớt, vị bùi béo của đậu phộng và thơm ngọt của bắp trong chiều mưa giăng lạnh Đà Lạt như làm cho du khách thêm yêu hơn thành phố sương mù nhỏ bé nơi vùng cao nguyên Lâm Viên đầy gió, đầy hương và đầy chất tình thi vị này.