Hiển thị các bài đăng có nhãn Tin tức du lịch. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tin tức du lịch. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Hướng dẫn viên bị sư tử cắn chết vì bảo vệ khách

Khi đoàn khách đang theo dấu một con sư tử, nó bất ngờ quay lại tấn công và hướng dẫn viên dùng thân mình để che chắn, bảo vệ những người đi sau.

Quinn Swales, 40 tuổi, là một hướng dẫn viên dày dặn kinh nghiệm. Vào sáng 24/8 khi xảy ra tai nạn, anh đang dẫn một nhóm khách theo dấu chân của những con sư tử tại công viên quốc qua Hwange, Zimbabwe. Bất ngờ, một con sư tử quay lại và tấn công nhóm khách. Quinn lấy thân mình che chắn và thiệt mạng dưới nanh vuốt của con sư tử. 


Quinn đến từ Harare, thủ đô của Zimbabwe. Trước khi làm hướng dẫn viên du lịch, anh là một phi công. Ảnh: Telegraph.

Theo tuyên bố từ nơi Quinn làm việc, anh đã làm tất cả điều có thể để bảo vệ đoàn khách của mình. Không ai trong số những người đi săn hôm đó bị thương, ngoại trừ cái chết của người hướng dẫn. Họ vô cùng đau buồn trước cái chết của anh.

Bạn bè, những người quen biết Quinn cũng bày tỏ sự tiếc thương. Trong mắt họ, anh là một người có trách nhiệm, hướng dẫn viên kinh nghiệm. Những người khi biết tin về cái chết của Quinn đều ca ngợi anh như một người hùng thực thụ.


Nơi Quinn bị cắn chết cũng là nơi diễn ra vụ sư tử Celci nổi tiếng bị giết hại. Ảnh:The Rock.

Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Bữa ăn 22 triệu: Đừng ngại mặc cả khi đi du lịch Vũng Tàu

Phần đông ý kiến của độc giả đều cho rằng cần xử phạt thật nặng, hoặc nên xem xét rút giấy phép kinh doanh những hàng quán làm xấu mặt du lịch Việt như quán Hào Long Sơn.

 

Nội dung chính:

- Qua bài báo về việc du khách Nhật Bản bị "chém" tới 22 triệu cho 1 bữa ăn tại Vũng Tàu, nhiều người cũng phản ánh việc mình cũng từng là nạn nhân của những quán ăn như vậy.
- Một số độc giả có kinh nghiệm chia sẻ cách để tránh khỏi bị "chặt chém" khi đi du lịch.

Nhiều người từng là nạn nhân

Không chỉ riêng chị Lê Thị Hồng Thanh và người bạn Nhật Bản đến quán Hào Long Sơn (số 94 Hoàng Hoa Thám, phường 2, TP Vũng Tàu) ăn một bữa hết 2,2 triệu đồng bị tính tới… 22 triệu, mà nhiều người cho biết họ cũng từng bị "chém".

Độc giả tên Huỳnh cho biết, bản thân cũng từng là nạn nhân của quán này khi còn tên Hương Việt vào tháng 6/2014. “Tôi đi du lịch thì được người chở xích lô quảng cáo là quán hải sản tươi ngon và rẻ nhất ở Vũng Tàu. Với thực đơn 2 con ghẹ, 8 con tôm sú và nửa con mực một nắng, 2 chai nước ngọt, tất cả có giá 1,46 triệu đồng, trong khi giá trong hoá đơn ghi từ 150.000 đến 300.000 đồng/kg".

Một số độc giả chia sẻ họ từng là nạn nhân của quán ăn này. Ảnh: Người Lao động.

Còn độc giả Nguyễn Hoàng Trọng kể lại, chỉ có 2 con ghẹ hấp và 4 con tôm nướng bằng ngón tay cái, thêm một đĩa ốc hương nhỏ… anh từng bị quán "chém" gần 2 triệu. “Nếu chừng đó thứ tôi ăn ở Huế không quá 500.000 đồng. Sau đó, tôi mới biết tài xế taxi chở vào quán này thường được trích 50% tiền khách ăn”, độc giả này viết.

Không riêng gì sự việc ở quán Hào Long Sơn (Vũng Tàu), nhiều du khách cũng từng bị “chặt chém” khi ghé các cửa hàng. Đầu tháng 10/2014, chị Thảo cho biết cùng đồng nghiệp đi thăm người thân tại Sầm Sơn (Thanh Hóa). Cả nhóm vào một cửa hàng gần biển để uống nước dừa. Chủ quán sau đó yêu cầu họ thanh toán 200.000 đồng cho một cốc nước dừa với lý do cửa hàng đã chặt 4 quả dừa.

Không đồng tình, chị Thảo đã liên lạc với lãnh đạo UBND thị xã Sầm Sơn qua đường dây nóng. Đội kiểm tra liên ngành đã xuống cơ sở kinh doanh xác minh thông tin và lập biên bản phạt chủ cơ sở này 12,5 triệu đồng (gấp trên 60 lần).

Tương tự trong năm 2013, tại khu vực phố cổ Hà Nội, bằng việc đặt đôi quang gánh, đội chiếc nón lá lên đầu để chụp ảnh lưu niệm, rồi bán 3 quả dứa, bà Lê Thị Sinh đã bắt chẹt hai du khách người Đức phải trả số tiền 840.000 đồng. Còn trong năm 2014, một du khách quốc tịch Australia, cùng hai con nhỏ lên một chiếc xích lô đi từ Lăng Bác về Nhà hát múa rối Thăng Long trên phố Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) với thỏa thuận 70.000 đồng cho quãng đường dài 5 km. Tuy nhiên, khi tới nơi, tài xế xích lô đã lấy của du khách 1,3 triệu đồng.

Mẹo để không bị “chặt chém”

Là người thường xuyên đi du lịch, độc giả có nickname Vicky Bùi cho rằng mọi người nếu muốn thuê xe du lịch tại các thành phố thì nhớ thỏa thuận với tài xế trước. Nếu du khách thuê xe máy để tham quan trong địa phương hãy nhớ mặc cả thật rõ ràng.

Cẩn thận hơn, du khách có thể viết giấy cho chủ phương tiện ký tên để tránh phiền phức khi thanh toán (đồng thời tránh trường hợp đang di chuyển bị công an giữ lại). “Với các nhà nghỉ để tránh tình trạng bị các chủ nhà nghỉ hét giá “ngất ngưởng”, bạn nên tìm hiểu giá phòng khách sạn trước trên các trang mạng online.

Nhiều nhà nghỉ, quán ăn gắn “mác bình dân” nhưng giá tiền thì rất “đại gia”, nên đừng quá ngần ngại khi vào khách sạn, quán ăn sang trọng một chút nhưng giá ổn định và phục vụ tốt”, bạn đọc Bùi chia sẻ. Còn anh Nguyễn Xuân Minh, một hướng dẫn viên du lịch, tư vấn, du khách có thể hỏi lễ tân khách sạn một số quán ăn trong thành phố. “Thường các quán ăn ở gần khu du lịch xác định không cần giữ chân khách nên thường “chém” khách mạnh tay, còn các quán ở xa khu du lịch thì giá ổn định hơn nhiều”.

Để tránh bị "chặt chém" du khách hãy hỏi giá trước.

Trong chia sẻ nhận được nhiều lượt thích (like) của độc giả Trần Phong, bạn này nhấn mạnh khi đi du lịch mọi người đừng chứng tỏ mình là khách du lịch. Bởi điều này không làm du khách “oách” hơn mà chỉ khiến dễ bị chú ý và trở thành nạn nhân bị “chặt chém”.

“Chúng ta nên giành thời gian tìm hiểu để biết rõ hơn nơi mình đến. Nếu bạn muốn mua hải sản nên tìm đến tận chợ lớn và thuê chế biến tại chỗ. Điều quan trọng là bạn muốn mua gì, đi gì, ăn gì đừng ngần ngại hỏi trước giá”.

Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

Casino sẽ 'hích' ngành du lịch Phú Quốc phát triển mạnh

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc xây dựng khu du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí tổng hợp có casino tại huyện đảo Phú Quốc sẽ đẩy kinh tế địa phương này phát triển mạnh mẽ.

Phú Quốc đã có sân bay quốc tế là một trong những điều kiện để huyện đảo phát triển dịch vụ, du lịch, trong đó có casino - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Theo Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đã chính thức chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí tổng hợp có casino tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp UBND tỉnh Kiên Giang và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan về dự án. Trên cơ sở đó hướng dẫn việc lập dự án theo đúng quy định của pháp luật; đề xuất ý kiến cụ thể, báo cáo Thủ tướng xem xét sau khi Chính phủ ban hành Nghị định về kinh doanh casino.

Quyết định phù hợp

Theo chuyên gia kinh tế độc lập, TS Bùi Trinh, việc cho phép mở casino ở Phú Quốc là một quyết định phù hợp, vì huyện đảo này cần động lực mới để phát triển. Một điều không thể phủ nhận là casino sẽ thu hút nhóm du khách có khả năng chi tiêu cao tìm tới. Du lịch tăng trưởng sẽ thúc đẩy thương mại, dịch vụ tăng theo, thu ngân sách cũng lớn hơn, từ đó kéo theo hạ tầng phát triển. Xét về mặt kinh tế, đầu tư casino ở Phú Quốc là tốt cho huyện đảo này và Phú Quốc có đầy đủ điều kiện cơ bản để đẩy mạnh dịch vụ. “VN chỉ cần chuyển 20% khu vực công nghiệp trong GDP qua khu vực dịch vụ là cơ cấu kinh tế sẽ tích cực hơn. Khu vực công nghiệp nhiều năm qua phần lớn là xuất khẩu tài nguyên thô và hàng hóa gia công. Mà xuất khẩu hàng hóa gia công thực chất là xuất khẩu hộ cho nước khác và càng xuất thì chúng ta càng nhập, hàm lượng giá trị gia tăng rất thấp. Trong khi đó, nếu phát triển dịch vụ, một hình thức của xuất khẩu tại chỗ, thì xuất bao nhiêu chúng ta hưởng được bấy nhiêu”, ông Trinh phân tích và cho rằng: “Với đặc thù của mình, Phú Quốc nên là hình mẫu của phát triển dịch vụ, lấy dịch vụ làm trọng tâm tăng trưởng và các địa phương khác có thể học tập từ kinh nghiệm của Phú Quốc”.
Việc xây dựng casino không khó, nhưng để duy trì và cạnh tranh với các casino trong khu vực là không đơn giản. Chắc chắn nhà đầu tư phải tìm ra điểm khác biệt cho casino ở Phú Quốc để thu hút du khách, mà trong đó quan trọng nhất là dịch vụ ở xung quanh casino.
TS Nguyễn Văn Ngãi, chuyên gia kinh tế
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Văn Ngãi, chuyên gia kinh tế, cho rằng casino về bản chất là một dịch vụ, nhưng nó có thể kéo theo nhiều dịch vụ khác xung quanh phát triển, nhất là các dịch vụ liên quan đến du lịch. “Việc cho phép đầu tư casino ở Phú Quốc là cơ hội cho huyện đảo này có bộ mặt sáng hơn. Dĩ nhiên, dịch vụ nào cũng có mặt trái, vấn đề là địa phương sẽ kiểm soát chặt chẽ những tiêu cực có thể xảy ra liên quan đến phát triển dịch vụ. Phú Quốc có nhiều thuận lợi hơn các địa phương khác ở trong nước khi mở casino vì là vùng đảo biệt lập với đất liền, nên những ảnh hưởng tiêu cực không lan tỏa nhiều và dễ kiểm soát hơn, ngay cả với việc cho phép người Việt vào casino ở đây. Phát triển dịch vụ là vấn đề VN cần quan tâm bởi không hao tổn tài nguyên nhưng vẫn đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho không riêng Phú Quốc”, TS Ngãi nói.

Cạnh tranh bằng sự khác biệt

Được đầu tư casino sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho Phú Quốc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc quan trọng là phải phát triển đồng bộ các ngành dịch vụ đi kèm, để du khách tới Phú Quốc nếu không vì mục đích vào casino cũng sẽ hưởng các dịch vụ này. “Yêu cầu phát triển dịch vụ một cách đồng bộ đối với Phú Quốc là rất quan trọng. Dịch vụ này phải có đẳng cấp quốc tế ở chất lượng và giá cả phải cạnh tranh. Thực tế, xung quanh VN có rất nhiều nơi nổi tiếng với casino như Singapore, Malaysia, Philippines, Campuchia, Macau. Việc xây dựng casino không khó, nhưng để duy trì và cạnh tranh với các casino trong khu vực là không đơn giản. Chắc chắn nhà đầu tư phải tìm ra điểm khác biệt cho casino ở Phú Quốc để thu hút du khách, mà trong đó quan trọng nhất là dịch vụ ở xung quanh casino”, ông Ngãi nhấn mạnh. Ông cũng lưu ý, khi xét duyệt các hồ sơ đăng ký đầu tư casino ở Phú Quốc, các bộ ngành liên quan ở VN cần yêu cầu nhà đầu tư đưa ra những khác biệt.

Nhà đầu tư phải cam kết vốn từ 4 tỉ USD trở lên

Năm 2014, trong tờ trình đề án thành lập đặc khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang nêu casino được xây dựng trên diện tích 30.000 m2 với 200 - 400 bàn đánh bạc, 2.000 máy chơi bạc, ngoài ra còn có trung tâm hội nghị, hội thảo quốc tế và khách sạn 5 sao 3.000 phòng... Nhà đầu tư muốn tham gia phải cam kết vốn từ 4 tỉ USD trở lên.
Theo chuyên gia du lịch Phan Đình Huê, những casino nổi tiếng trên thế giới bao giờ cũng nằm trong một quần thể vui chơi, giải trí đồng bộ với cả hạ tầng giao thông, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, trung tâm hội nghị... Ở Las Vegas (Mỹ) là một chuỗi các casino, khách có thể đi từ chỗ này qua chỗ kia, hoặc nhiều trung tâm giải trí. Đối với Phú Quốc, casino “sạch” ở Singapore là mô hình cần học hỏi. “Phú Quốc hiện nay đã có sân bay quốc tế, đường giao thông quanh đảo thuận tiện nhưng hệ thống khách sạn cao cấp vẫn còn thiếu, chưa có nhà hát, trung tâm hội nghị tầm cỡ hoặc trung tâm thể thao có thể tổ chức các sự kiện lớn. Không chỉ thế, Phú Quốc còn thiếu cả dịch vụ vui chơi giải trí trên mặt đất, trên mặt biển, trên không trung. Dịch vụ xung quanh casino là giá trị gia tăng của Phú Quốc, nên cần quy hoạch xây dựng đồng bộ để gia tăng tối đa hiệu quả”, ông Huê nói, đồng thời đề xuất Phú Quốc phải hướng tới dịch vụ đẳng cấp để gắn với hoạt động của casino, chứ không vì thiếu tiền mà làm đâu sửa đó.

“So với các casino trong khu vực, Phú Quốc hơn hẳn vì có biển, bãi tắm đẹp, khí hậu nhiệt đới tuyệt vời suốt cả năm. Với lợi thế đó, Phú Quốc phải là một đảo dịch vụ du lịch, gồm khu phức hợp casino là trung tâm và dịch vụ đẳng cấp phát triển xung quanh trung tâm này. Đừng để khách đến Phú Quốc để vào sòng bài, ngủ và ra về. Còn các đảo ở gần Phú Quốc có thể được xây dựng thành nơi nghỉ dưỡng cao cấp cho giới nhà giàu”, ông Huê đề xuất.

TS Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cũng cho rằng ngay từ bây giờ, Phú Quốc cần xây dựng dịch vụ một cách đồng bộ và các dịch vụ xung quanh casino phải thực sự cao cấp. Phú Quốc cần xác định đây là mục tiêu cần nhắm tới để thực hiện.

N.Trần Tâm
Theo Báo Thanh Niên

Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

'Phượt' để thể hiện cái tôi hay chơi dại?

Du lịch luôn là những gì mà những người trẻ muốn làm để không phí hoài thời thanh xuân của mình, nhưng đừng vì thế mà phí cả tương lai với những chuyến đi không chuẩn bị gì cả.

Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả Vũ Ngọc Anh. Sinh năm 1987, bị mắc bệnh xương thủy tinh, từng bị gãy xương đến 150 lần, Vũ Ngọc Anh là tác giả cuốn sách "Không thể vỡ", ghi lại hành trình vượt khó để tự lập và đi du lịch, khám phá nhiều vùng đất mới trên chiếc xe lăn.

Dạo gần đây, các bạn rất hay bắt gặp một vài hình ảnh kiểu như một anh chàng ăn mặc bụi bụi chở phía sau là một cô gái, sau xe máy là lỉnh kỉnh đồ đạc, xong lượn hết chỗ này đến chỗ khác, và càng nguy hiểm, càng đến những chỗ xa xôi thì “level” càng cao. Tất nhiên phải tuân theo những thứ mà tôi đọc được ở đâu đó như sau, không biết là đùa hay thật:

- Phải ăn mặc bụi bụi, quần áo phải là camo hoặc áo rằn ri. Đầu quấn khăn hoặc không, phải mặc áo Việt Nam. Các bạn cứ làm như nếu không mặc cờ đỏ sao vàng thì không ai biết bạn là người Việt Nam vậy.
- Không được phép ở khách sạn hay nhà nghỉ sang trọng, có ở thì chỉ được ở nhà nghỉ hoặc nhờ nhà dân, đỉnh cao là phải ngủ ở ngoài đường, với dù, bạt, lều...- Không được đi ăn nhà hàng, kể cả có tiền, phải mua bánh mì, lương khô mang theo.- Không như thế thì không phải dân phượt chuyên nghiệp.

Tôi không biết gì về phượt, không biết các "cung" này cung nọ, không biết thuật ngữ chuyên môn của các bạn, tôi không biết xế là gì ôm là gì đến khi tôi google ra một vài năm trước đây. Nhưng cái thời tôi biết đến phượt khác xa thời bây giờ nhiều quá, cái quy chuẩn phía trên làm tôi phải suy nghĩ nhiều quá. Thời đó tôi càng muốn đọc những review và cảm nhận của mỗi người bao nhiêu thì giờ có cảm giác ngược lại, hễ ai nói "tao đi phượt" là ghét và có ấn tượng không tốt. Phải chăng các bạn đã làm phượt mất chất? Cảm nhận của mỗi nơi đến thay bằng những tấm hình vô tri, hay "đã bỏ tiền vào chụp ảnh thì phá nát cũng được". Tôi biết, trong các bạn vẫn còn rất nhiều người đi để mở mang tầm mắt, học hỏi thêm nhiều thứ để trau dồi vốn sống của mình, nhưng những người như thế dần dần họ cũng chẳng tự nhận mình là dân phượt nữa. Những người như thế thì có được bao nhiêu?

 
Tác giả Vũ Ngọc Anh trong chuyến đi Cà Mau bằng xe lăn.

Các bạn đọc báo, nhất là 1-2 năm gân đây, tỉ lệ phượt xuống-suối-vàng được nhắc đến nhiều hơn, tôi cũng không biết đó là một "chấm" mới trong hành trình hay là điểm kết thúc nữa, nhưng chắc ai cũng nghe thấy vụ kiệt sức khi đi ở đâu đó dẫn đến tử vong, rồi rất nhiều tai nạn trên đường. Vậy các bạn đang làm gì? Các bạn đang đi để biết, hay đi để chết?

Tôi là một đứa đi không nhiều, nhưng đủ hiểu an toàn của bản thân cần thiết đến mức nào. Bạn mạnh mồm nói "Tớ lo được, tớ chạy cẩn thận, tớ đủ sức khỏe..." ôi tôi biết cái đó. Dịp gần đây, tôi và đứa em đi xe máy đến mội nơi mà tôi định hoàn thành nốt trong cuốn sách “Không thể vỡ 2” trước những ngày cuối cùng. Sau khi đọc xong các review về điểm đến, tôi thấy "đi được, chả có gì không đi được" nhưng đến tận nơi, tận mắt chứng kiến mọi thứ mới thấy phải-biết-lượng-sức-mình.

Phượt hiện giờ, thấy các bạn coi thường mạng sống quá, khi không có kiến thức sơ cứu hay xử lý sự cố khi tai nạn. Các bạn chỉ biết đi, đi để thích thú nhưng có thể ít người để ý đến những hệ quả đằng sau. Nhiều bạn đi phượt thì tự cho mình cái "oách" khi nói với người khác như thế, cứ như thể đi phượt để trải nghiệm cảm giác mạo hiểm.

Tôi quen một số người, ít nhất là người mà tôi biết đều có những kế hoạch và kiến thức cần thiết trước mỗi chuyến đi. Không phải như các bạn nói "xách đít lên và đi" như vậy nó mông lung và vô định lắm, người ta chuẩn bị về sức khỏe, về đồ đạc và cả về những trường hợp xấu nhất nữa. Bao nhiêu bạn trong đây đi phượt trong người mang theo một mảnh giấy ghi số điện thoại của người thân để chẳng may có việc gì thì người khác còn liên lạc về với gia đình? Một người anh mà tôi quen, có một chuyến đi dài dọc từ TP HCM – Hà Nội, Việt Nam tới Myanmar và quay ngược lại TP HCM. Theo dõi chuyến đi tôi thấy khác hẳn những gì các bạn hay đi phượt ở nhà, ông anh lên kế hoạch chi tiết đi tới đây sẽ làm gì, đi tới kia sẽ làm gì, ngoài việc tự sướng ra thì kế hoạch chi tiết cũng là một điều cần thiết trong các chuyến đi.

Không phải các bạn cứ ngồi lên xe, các bạn cứ cầm một cái gậy, là có thể leo núi được và chạy xe đường dài được. Vụ nhóm "phượt" núi Bà Đen và lạc, không xuống được phải gọi điện cầu cứu. Tự hỏi, do trưởng nhóm thiếu kinh nghiệm, tự tin thái quá, hay chỉ là một-nhóm-thích-đi-với-nhau? Phượt thủ gì khi trong tay không có một món đồ cứu hộ?

Ở Việt Nam, do môi trường giáo dục là bao bọc, cho nên những khóa học về sinh tồn trong những điều kiện khắc nghiệt là không có, nhưng với sự phát triển của mạng lưới viễn thông hiện nay, tôi cũng không hiểu tại sao còn có những bạn nhắm mắt mà đi như vậy. Đi, nhưng đi an toàn. Thế mới là đi các bạn ạ. Đọc đến đây, chắc kiểu gì cũng có bạn nói: Không mạo hiểm thì sao biết bản thân mình như thế nào. Okie, cái đó đồng ý, nhưng tất cả những thứ mạo hiểm của các bạn phải có một giới hạn.

Dù có gọi là gì, thì du lịch và trải nghiệm luôn là những gì mà những người trẻ muốn làm, họ muốn sống để không phí hoài thời thanh xuân của mình, nhưng cũng đừng vì thế mà phí cả tương lai phía trước với những chuyến đi không chuẩn bị gì cả. Tôi chưa bao giờ gọi chuyến đi của mình là Phượt, vì tôi không thích dùng từ đó. Tôi chưa đủ liều như các bạn khác để có thể đánh đổi số phận của mình vào những chuyến đi mà-tôi-chưa-sẵn-sàng, tôi ko đánh cược mạng sống, vài kinh nghiệm từ người đi trước sẽ cho tôi biết cần phải làm những gì đối với bản thân. Tôi đi không mặc đồ bụi bụi, tôi đi không mang lương khô và bánh mì, tôi đi không mang lều chõng, tôi đi không ngủ bờ ngủ bụi, tôi không phải là phượt thủ.

Tôi chỉ là một người thích-đi-lại.

Vũ Ngọc Anh
Zing News

Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Vì sao du lịch miền Tây trở thành điểm đến ấn tượng nhất 2015

2015 sẽ là năm đầy hứa hẹn với du lịch miền Tây khi nơi đây được các chuyên trang du lịch nổi tiếng chọn vào top 10 điểm đến giá trị nhất.

Miền Tây với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, những vườn cây trĩu quả, những cánh đồng cò bay thẳng cánh luôn là điểm đến lí tưởng của nhiều du khách, nhất là khách nước ngoài. Du lịch miền Tây sông nước họ tìm thấy được sự bình yên của miền quê xinh đẹp, giản dị, chất phát với những con người thân thiện.

 

Với những đặt điểm thú vị như trên, không có gì ngạc nhiên khi miền Tây được các chuyên trang du lịch nổi tiếng như Rough Guides và Travel and Leisure chọn vào top điểm đến 2015 của thế giới. Theo chuyên tran Rough Guides đánh giá thì những tour du lịch miền Tây hút khách bởi những lí do sau:

1. Đất đai trù phú

Với những điều kiện địa lý, khí hậu tuyệt vời và quanh năm được bồi đắp phù sa màu mở nên miền Tây còn là vựa lúa, vựa trái cây lớn nhất cả nước. Những ruộng lúa trải dài, những vườn trái cây trĩu quả không chỉ mang những sản vật này đến khắp mọi miền mà nó còn là điểm thu hút nhiều khách du lịch miền Tây từ khắp mọi nơi. Bạn có thể tham khảo tour du lich mien Tay 1 ngay của Viet Fun Travel.

 
Vườn cây ăn trái là điểm tham quan thu hút của miền Tây.

Du khách có thể thưởng thức trái cây tại các miệt vườn nổi tiếng miền Tây như: vườn trái cây Phong Điền (Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang), Tân Quy (Trà Vinh), Tam Bình (Vĩnh Long), Chợ Lách (Bến Tre)… với các loại trái cây nổi tiếng như vú sữa Vĩnh Kim, quýt Cái Bè, sầu riêng Cái Mơn hay bưởi 5 roi, xoài cát Hòa Lộc, cam sành Hậu Giang,…

2. Sông nước mênh mông

Người dân miền Tây chủ yếu sống dựa vào sông nước. Xóm này nối với xóm kia bằng những con lạch, kênh nhỏ thay vì đường bộ. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch chèn chịt nơi đây cũng tạo điều kiện cho sự ra đời của những phiên chợ nổi sinh động, đầy màu sắc ở khắp các tỉnh miền Tây như Cái Răng, Phong Điền, Phụng Hiệp, Cái Bè,…

 
Điều nhất định phải trải nghiệm khi về miền Tây là dạo chợ nổi.

Tham quan những chợ nổi này, bạn không chỉ có dịp mang về nhiều loại trái cây, rau quả đặc sản mà còn được chứng kiến, lắng nghe những âm thanh đặc biệt của một phiên chợ nổi trên sông lúc bình minh. Ngoài lựa chọn những đặc sản miền Tây, đến chợ nổi bạn cũng có thể tấp vào những con thuyền nhỏ phục vụ café di dộng hay thưởng thức một tô bún cho bửa sáng.

3. Cá, tôm dồi dào

Từ cao nguyên Tây Tạng, sông Mekong hùng vĩ chảy qua 6 nước và là nguồn sống chủ yếu cho hàng triệu người. Đồ vào Việt Nam với tên gọi Cửu Long, dòng sông này đã mang một lượng phù sa màu mỡ để tạo thành một trong những vùng đồng bằng lớn nhất thế giới.

Cơm lá sen, cá kho tộ, bún nước lèo là những đặc sản nổi tiếng miền Tây.

Những điều kiện tuyệt vòi mà thiên nhiên mang lại đã tạo nên một nền ẩm thực phong phú và đặc sắc nơi đây. Về du lịch miền Tây, có rất nhiều món ngon mà bạn có thể khám phá và thưởng thức: cá lóc nướng trui, chuột đồng quay lu, lẩu cá kèo, lẩu mắm, gà nướng đất sét,…

4. Làng nghề truyền thống

Du lịch sinh thái làng nghề chính là một trong những điểm thu hút khách du lịch miền Tây. Du khách nước ngoài đặc biệt thích tìm hiểu quy trình sản xuất và trải nghiệm cảm giác tự làm ra sản phẩm.

Du khách tham quan một làng nghề làm hủ tiếu.

Miền Tây có rất nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như làng chiếu Long Định, làng hủ tiếu Mỹ Tho (Tiền Giang); làng lụa Tân Châu (An Giang); làng cốm dẹp Ba So (Trà Vinh); làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, kẹo dừa (Bến Tre); làng nem Lai Vung, làng nghề trồng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp),..

5. Con người thân thiện

Vùng đồng bằng sông Cửu Long là một thiên đường kỳ lạ cho khách du lịch miền Tây từ khắp nơi trên thế giới: khí hậu tốt, vườn cây trái nhiệt đới rực rỡ, bầu không khí trong lành và đặc biệt là sự hào phóng của người dân địa phương.

Người miền Tây nổi tiếng là thân thiện, hiếu khách.

Không chỉ với người làng xóm, với những khách du lịch mới đến lần đầu cũng có thể cảm nhận được nét dễ thương vô cùng của những con người trên xứ xuồng ghe ngày đêm không ngớt này.

6. Nhiều trò vui chơi giải trí dân dã

Chèo xuống ngắm sông nước là hoạt động yêu thích của du khách.

Những tour du lịch miền Tây không thể thiếu các hoạt động vui chơi, giải trí dân dã như: chèo xuồng len lỏi giữa kênh rạch, tát mương bắt cá, săn chuột đồng, giăng câu thả lưới, vào vườn hái trái cây,… Bạn có thể tham khảo tour du lịch miền Tây tát mương bắt cá 1 ngày.

7. Những điệu đàn ca tài tử

Đàn ca tài tử là một phần không thể thiếu của văn hóa miền sông nước.

Nhắc đến miền Tây sông nước, nhắc đến những con người chịu thương, chịu khó không thể bỏ qua giai điệu réo tắc của tiếng đàn bầu. Ở miền Tây này những câu ca, vọng cổ, cải lương trên nền tiếng đàn bầu mộc mạc từ lâu đã thấm vào tâm hồn con người nơi đây như một phần không thể tách rời. Đàn ca tài tử phổ biến đến độ bạn có thể thưởng thức những giai điệu ấy ở bất cứ ơi đâu, vào mọi thời điểm khi có dịp chu du trên mảnh đất miền Tây hiền hòa này.

8. Biển Phú Quốc tuyệt đẹp

Thuộc tỉnh Kiên Giang, đảo Phú Quốc là điểm du lịch nổi tiếng không chỉ ở miền Tây mà còn của thế giới. Cuối năm 2014, trang du lịch uy tín National Geographic đã chọn Phú Quốc vào top 10 điểm đến mua đông tuyệt nhất năm.

Trang du lịch uy tín National Geographic đã chọn Phú Quốc vào top 10 điểm đến mùa đông tuyệt nhất 2014

Với khung cảnh nên thơ, thanh bình của biển xanh, cát trắng, nắng vàng và những địa danh đặc biệt… nơi đây sẽ là chặn dừng chân thú vị không thể bỏ qua trong hành trình khám phá du lịch các tỉnh miền Tây.